"Đừng lấy... về làm vợ"
Loan vừa bước xuống xe, con gái làng thì đỏ mặt lảng đi, chỉ có đám con trai là giương to đôi mắt, nuốt nước dãi thầm thì: Thằng Tùng khá thật, dám lấy ---- về làm vợ...
Nghe tin cuối tuần Tùng sẽ đưa bạn gái về chơi, ông bà Thứ cứ rộn lên như sắp được đón Nữ hoàng.
Nhưng khi cô gái vừa bước từ ô tô xuống thì mặt bà Thứ đang hớn hở bỗng đờ ra rồi nhăn nhó. Cô gái mặc chiếc quần mà bà Thứ chẳng biết gọi là gì, nó ngắn đến chìa cả mông, cái áo hai dây mỏng tang cũng ngắn cũn không che được rốn khiến đám trẻ con nhà quê cứ bịt miệng mà cười, con gái làng thì đỏ mặt lảng đi, chỉ có đám con trai là giương to đôi mắt, nuốt nước dãi thầm thì: Thằng Tùng khá thật, dám lấy ---- về làm vợ...
Loan thấy mọi người xúm vào nhìn thì hãnh diện lắm, cô õng ẹo đi trên chiếc guốc cao có dễ đến 15 phân, mặt vênh vênh như đang đi trên sàn diễn thời trang, chẳng chào hỏi ai. Đi chưa được chục mét thì gặp phải chỗ gồ ghề, Loan bị trật chân, đau quá, Loan nhăn nhó buông một câu chửi tục.
Bà Thứ tối sầm mặt, thất vọng.
Chẳng đợi ai mời, Loan tự rót nước cho mình rồi tu ừng ực một hơi hết cốc nước. Loan khà một tiếng như người ta uống rượu rồi cô nhoẻn cười nhìn bố mẹ Tùng, nói: "Khát quá".
Ông bà Thứ mới hỏi thăm được mấy câu thì giật nẩy mình vì tiếng chuông điện thoại của Loan. Chẳng cần xin phép, xin lỗi gì, Loan đứng bật dậy: A lô, a lô, mẹ kiếp, sóng ở đây yếu quá đếch nghe rõ, nói to lên...
Loan vừa đi ra sân, vừa nói oang oang giọng gắt gỏng: "Có thế thôi hả... tưởng gì... thế mà cũng gọi. Người ta đang ở quê... tự giải quyết đi. Quên mẹ thằng Sở Khanh bắt cá hai tay ấy đi. Đời còn dài, giai còn nhiều... lo ế đâu mà phải khổ sở vì nó...".
Bà Thứ nhìn Tùng, rít lên khe khẽ: " Mày yêu cái gì ở đứa con gái ấy hả? Mày định bôi gio trát trấu vào mặt bố mẹ sao, mày định đẻ ra một đám ---- hả? Con gái con đứa gì mà ăn nói như đồ du côn.. Tao chỉ nói với mày một câu này nữa thôi. Có nó thì không có tao. Cút ngay cho khuất mắt...".
Tùng còn đang bối rối chưa biết thanh minh thế nào thì Loan quay vào bảo phải về Hà Nội gấp vì có chuyện đột xuất...
Loan chẳng phải ----, cô cũng là con nhà tử tế. Bố mẹ Loan trước kia đều là công nhân, nhà rất nghèo. Mẹ Loan không bao giờ quên được cảnh con gái nhặt lấy cái giấy kẹo socola mà thằng bé hàng xóm vứt đi để liếm lấy liếm để, mẹ giằng vứt đi mà nó khóc mãi không thôi. Ngủ rồi vẫn tấm tức khóc trong mơ... Hình ảnh ấy ám ảnh bà, bà tự nhủ: Bao giờ có nhiều tiền sẽ cho con mọi thứ con muốn...
Nghèo quá nên hai vợ chồng bà xoay ra đi buôn. Nào ngờ hai ông bà có số buôn bán nên tiền vào như nước. Tiền vào nhà càng nhiều thì thời gian bên con càng ít, bà chỉ còn biết bù đắp tình yêu cho con bằng tiền. Cứ mỗi lần xong một phi vụ, bà lại gửi tiền vào tài khoản cho Loan mà không hề để ý đến số dư. Có lúc số dư trong tài khoản của Loan lên đến hơn 2 tỷ đồng
.
Sẵn tiền nên Loan thích gì mua nấy, có lúc mua xong chưa về đến nhà đã thấy chán lại vứt đi hoặc đem cho. Đi ăn hàng cũng thế, Loan cứ gọi món bạt mạng. Có món vừa gọi ra cô đã kêu ầm là hôi quá không chịu nổi, bắt phục vụ phải bưng đi đổ. Tính cách Loan trở nên kênh kiệu, đài các.
Nhà có một cô con gái nhưng mẹ Loan không lo lắng khi thấy con thay người yêu như thay áo. Bà bảo: "Kệ nó, miễn nó thấy vui là được. Bây giờ con gái lấy chồng có mấy đứa còn trinh tiết đâu mà lo...". Bà còn tự tin: "Đứa nào vơ được con Loan nhà này thì có các vàng cũng không dám bỏ..." . Bà tin chắc: Có tiền mua tiên cũng được huống hồ mua chồng.
Vậy mà Loan đã phải hai lần thất tình, hai lần nạo thai.
Loan thích Tùng vì Tùng không săn đón cô. Anh chưa hề tặng cô một món quà nào, Tùng bảo: " Cậu chẳng thiếu thứ gì, còn tớ là dân quê, con nhà nghèo, chẳng có tiền đâu mà mua quà tặng cậu". Câu nói rõ ràng ấy khiến Loan thấy Tùng hay hay.
Loan mê anh chàng quê cục mịch ấy lúc nào không biết, nhưng Tùng lại cứ bảo: Anh mà đưa em về quê anh thì em chạy mất dép, còn anh thì cũng bị tan xương. Loan không nghĩ thế.
Nào ngờ...
Người nhà quê lại chê vàng...